Là một phần của cộng đồng người khuyết tật, mình không mong người khuyết tật được nhắc đến như những “siêu nhân” mỗi khi họ thành công hay nhận được sự thương hại mỗi khi họ trải qua gian khó. Bởi lẽ, thành công, thất bại, hạnh phúc, khổ đau là những điều mà ai ai cũng phải trải qua trong đời. Cũng vì thế, khi người khuyết tật làm sai, mình cũng mong chúng ta nhìn nhận những sai lầm đó, như cách mà chúng ta nhìn nhận những sai lầm mà một “con người” nào cũng có thể mắc.
Với mình, một đoạn video không có tiếng trích xuất từ camera chưa phải là một bằng chứng đủ để đi đến kết luận ai đúng ai sai trong vụ việc của bạn “Xe lăn vlog”. Thôi thì chờ công an vào cuộc làm việc rồi sẽ rõ.
Nhưng cứ cho là bạn Lâm trong vụ việc này thực sự sai, việc đáng lên án là cách bạn ấy làm nội dung chứ đâu phải đôi chân của bạn ấy? Sự không may mắn của một người có đáng để trở thành công cụ để m.i.ệ.t t.hị, công kích chính họ như thế không?
Mình nghĩ là KHÔNG. Nói không với content bẩn là điều mỗi chúng ta cần làm và làm cùng nhau để có một môi trường mạng “trong lành” hơn. Nhưng mình tin, thay vì những lời “cà khịa”, những lời m.i.ệ.t t.h.ị đến nhói lòng, thì có nhiều cách tốt hơn để chúng ta làm việc đó. Đó là những góp ý mang tính xây dựng, là những bình luận chỉ rõ những sai lầm, hoặc cũng có thể là một nút report cho nền tảng mạng xã hội mà bạn đang sử dụng.
Nhân đây, mình cũng xin chia sẻ một vài gợi ý về những ngôn ngữ phù hợp khi chúng ta nói về người khuyết tật mà mình tổng hợp từ những hội thảo mình tham gia, tài liệu mình đọc được, cũng như từ trải nghiệm của chính bản thân mình. Bởi vì mình thực sự không mong đọc được thêm những comment về người khuyết tật bằng những ngôn ngữ đáng buồn như thế nữa.
1. Không “dán nhãn” người khuyết tật
Xin đừng gọi/dán nhãn người khuyết tật bằng những đặc điểm khiếm khuyết của họ, ví dụ như: thằng “què” ơi, cái cô “lùn lùn” kia… Những điều này thực sự sẽ khiến người khuyết tật cảm thấy mặc cảm và tự ti hơn rất nhiều. Thay vào đó, hãy gọi tên hoặc những đặc điểm dễ thấy hơn như: anh áo xanh ơi… chẳng hạn.
2. Không “thần thánh hoá” người khuyết tật
Người khuyết tật cũng là “con người”. Họ cũng phải trải qua những khó khăn, thử thách, hạnh phúc và niềm đau như bất cứ ai. Họ vượt qua những điều đó để có một cuộc sống hạnh phúc và để đóng góp cho cộng đồng nơi họ sống chứ không phải để trở thành “siêu anh hùng”. Bởi thế, thay vì dùng những từ như “phi thường” hay “siêu nhân”… để nói về thành công của người khuyết tật, hãy nói về họ như những gì họ vốn là và kể lại chân thực những trải nghiệm mà họ đã trải qua, đừng bi thương hoá để rồi thần thánh hoá nó.
3. Không m.i.ệ.t t.h.ị người khuyết tật
Xin đừng dùng những từ ngữ mang ý m.i.ệ.t t.h.ị để nói về những khiếm khuyết của người khuyết tật, ví dụ như đui mù, què cụt, chấm phẩy… Thay vào đó, hãy dùng những từ phù hợp hơn để chỉ các dạng khuyết tật như: khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật vận động… Nếu bạn không chắc chắn, hãy hỏi người khuyết tật xem họ muốn được gọi dạng khuyết tật của mình như thế nào.
4. “Người khuyết tật” cũng là “người bình thường”
Mình đã được nghe rất nhiều người nói: “Tuy không “bình thường” như những người “bình thường” khác, nhưng cô ấy đã đạt được những thành tựu…” hay “tôi chỉ mong con tôi được “bình thường” như người khác” khi nói về người khuyết tật.
Trên thực tế, bên cạnh những điều không thể thay đổi liên quan đến tình trạng khuyết tật, người khuyết tật hoàn toàn là “người bình thường” có năng lực, sở thích và ước mơ như bất cứ ai, nếu họ được sống trong một môi trường hòa nhập và tiếp cận. Đặt hai cụm từ “người khuyết tật” và “người bình thường” bên cạnh nhau để so sánh với nhau mà không có giải thích rõ ràng dễ dần đến việc hiểu sai, định kiến rằng người khuyết tật “không bình thường” như những người khác, từ đó gây ra những mặc cảm, tự ti cho người khuyết tật.
Vì thế, thay vì so sánh “người khuyết tật” và “người bình thường”, mình mong rằng, chúng ta hãy nói “người khuyết tật” và “người không khuyết tật” hoặc đơn giản hơn, chúng ta đều là những “con người”.
Lời kết
Để kết lại bài viết này, mình xin phép chia sẻ lại định nghĩa về khuyết tật được quy định trong Công ước Quốc tế về Quyền Người khuyết tật: “Người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”. Thay vì cố gắng thay đổi điều không thể thay đổi được đó là tình trạng khuyết tật, mình tin chúng ta có thể tạo ra một xã hội bình đẳng hơn cho tất cả mọi người bằng cách chung tay xóa bỏ những rào cản, định kiến qua những hành động rất nhỏ và thực tế như sử dụng những ngôn từ phù hợp và thấu cảm hơn khi nói về người khuyết tật.
Grow With Meow
Nurture the version you love